Header Ads Widget

Làm gì khi trẻ bị dị ứng?

Ở trẻ nhỏ, sức đề kháng chưa được hoàn thiện nên dễ xuất hiện tình trạng dị ứng. Điều này không những gây cho trẻ cảm giác khó chịu mà còn khiến các bậc phụ huynh lo lắng. Vì vậy, việc xử trí trẻ bị dị ứng đúng cách là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, cách thức còn tùy thuộc vào tình trạng dị ứng do nguyên nhân nào gây ra, chẳng hạn như dị ứng thời tiết, dị ứng thức ăn,...

1. Vì sao trẻ bị dị ứng?

Dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch gây phản ứng quá mức với chất gây dị ứng, coi nó như một kẻ xâm lược và cố gắng chống lại nó. Điều này gây ra các triệu chứng có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng hoặc thậm chí đe dọa tính mạng.

2. Các bệnh dị ứng thường gặp ở trẻ

Dị ứng thực phẩm

Trẻ bị dị ứng thức ăn thường do di truyền. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất dễ bị dị ứng thức ăn, phổ biến nhất liên quan đến sữa và trứng. Những dị ứng này thường có xu hướng tự giới hạn, và hầu hết sẽ tự khỏi trong vòng vài năm với chế độ ăn kiêng thích hợp. Đối với trẻ lớn hơn và người lớn, các thức phẩm gây dị ứng bao gồm các loại hạt, cá và hải sản... và tình trạng dị ứng thức ăn này thường có xu hướng kéo dài trong suốt cuộc đời.

Biểu hiện của việc trẻ bị dị ứng thức ăn là viêm dạ dày hoặc viêm ruột dị ứng. Các phản ứng có thể có mức độ nghiêm trọng khác nhau. Các triệu chứng nhẹ bao gồm đau quặn bụng và nôn trớ, các triệu chứng nghiêm trọng hơn gồm tiêu chảy mãn tính (thường là phân có mùi hôi kèm theo máu và nhầy), mất protein, thiếu máu và chậm tăng trưởng.   

Viêm da dị ứng

Bé bị dị ứng da thường bắt đầu trong thời kỳ sơ sinh và ảnh hưởng đến khoảng 10% dân số trẻ em. Đây là một rối loạn viêm da phức tạp, mãn tính, được đặc trưng bởi viêm ngứa nghiêm trọng, đợt tái phát mãn tính.  Nó liên quan đến phản ứng mạch máu bất thường, tăng mất nước qua biểu bì, giảm ngưỡng ngứa và viêm. Ở trẻ nhỏ hơn, các vùng da đầu gần cổ và sau tai, và bề mặt duỗi của cánh tay và chân bị ảnh hưởng. Khi đứa trẻ lớn lên, viêm da ưu thế ở các nếp gấp.       

Điều trị viêm da bao gồm tránh các yếu tố kích thích, giảm mất nước bằng cách sử dụng chất làm mềm da, giảm ngứa bằng cách sử dụng thuốc kháng histamine và giảm viêm bằng cách sử dụng kem corticosteroid. Ngoài ra, sự kết hợp của steroid tại chỗ với thuốc kháng sinh đã được chứng minh là có hiệu quả hơn so với liệu pháp steroid tại chỗ hoặc kháng sinh đơn thuần. Nên hạn chế thực phẩm cay hoặc chua, chẳng hạn như trái cây họ cam quýt, có chứa các amin hoạt tính có thể trực tiếp làm tăng tình trạng viêm ngứa và giãn mạch.

Hen suyễn

Hen suyễn là một bệnh hô hấp mạn tính rất thường gặp ở trẻ em, đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính đường dẫn khí. Khi tiếp xúc với các yếu tố kích thích, phế quản trẻ sẽ bị co thắt, phù nề, chứa đầy chất nhầy gây tắc nghẽn làm xuất hiện các triệu chứng như ho, khò khè, khó thở. Nguyên nhân chính gây khởi phát bệnh hen suyễn là do nhiễm virut sớm, tiếp xúc với khói thuốc lá và dị ứng. Nhiễm virus cũng được chứng minh là làm tăng phản ứng và cũng liên quan đến các đợt cấp của bệnh hen suyễn ở trẻ em. Hút thuốc lá thụ động có ảnh hưởng đáng kể đến số đợt hen suyễn.

Viêm mũi dị ứng

Nhiều trẻ em bị viêm mũi dị ứng có biểu hiện nghẹt mũi mãn tính hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên tái phát và được điều trị nhiều lần bằng thuốc cảm hoặc thuốc kháng sinh. Theo thời gian, trẻ có biểu hiện rõ rệt theo mùa, gợi ý nguồn gốc dị ứng.  Các chất gây dị ứng trong không khí có thể gây ra bệnh viêm mũi dị ứng , thường phát triển ở trẻ trên 10 tuổi, đạt đến đỉnh điểm ở thanh thiếu niên hoặc đầu hai mươi, và thường biến mất ở độ tuổi từ 40 đến 60. Các triệu chứng có thể bao gồm: hắt xì, ngứa mũi hoặc cổ họng, nghẹt mũi, ho...

3. Trẻ bị dị ứng khi nào nguy hiểm?

Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng dị ứng khác nhau tùy theo cơ địa dị ứng và từng người. Trẻ bị dị ứng có thể biểu hiện như ngứa mắt, hắt hơi, nghẹt mũi, thắt cổ họng, khó thở, nôn mửa, thậm chí ngất xỉu.

Trẻ em bị dị ứng nghiêm trọng (chẳng hạn như với thức ăn, thuốc hoặc nọc độc của côn trùng) có thể có nguy cơ bị phản ứng dị ứng đột ngột, đe dọa tính mạng được gọi là sốc phản vệ . Sốc phản vệ có thể bắt đầu bằng đỏ da và nổi mề đay, có thể nhanh chóng tiến triển thành tổn thương tim mạch và tử vong. Các biểu hiện khác có thể là phù thanh quản, co thắt phế quản, đau quặn bụng, nôn mửa hoặc tiêu chảy. Đa số các triệu chứng sẽ hết tự nhiên hoặc trong vài giờ sau khi điều trị, trong một số trường hợp, các triệu chứng kéo dài hoặc tái phát vài giờ sau đó. Sốc phản vệ có thể xảy ra chỉ vài giây sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng hoặc không đến vài giờ sau đó (nếu phản ứng là từ thực phẩm). Vì vậy, các trẻ được chẩn đoán mắc chứng dị ứng đe dọa tính mạng mang theo ống tiêm tự động epinephrine trong trường hợp khẩn cấp. Epinephrine có tác dụng nhanh chóng chống lại các triệu chứng dị ứng nghiêm trọng; ví dụ, nó làm giảm sưng và tăng huyết áp.

4. Chẩn đoán trẻ bị dị ứng như thế nào?

Một số bệnh dị ứng ở trẻ khá dễ chẩn đoán nhưng có những bệnh cảnh khác ít rõ ràng hơn gây khó chẩn đoán vì chúng có thể tương tự với các tình trạng bệnh khác.

Nếu con có các triệu chứng giống như cảm lạnh kéo dài hơn một hoặc hai tuần hoặc bị "cảm lạnh" vào cùng một thời điểm hàng năm, đó có thể gợi ý dị ứng.

Để tìm nguyên nhân gây dị ứng, bác sĩ dị ứng thường làm test lẫy da để tìm các chất gây dị ứng phổ biến nhất. Test lẫy da như sau:

- Một giọt chất gây dị ứng dạng lỏng tinh khiết được nhỏ lên da và vùng bị trầy xước bằng dụng cụ chích nhỏ.

- Một lượng nhỏ chất gây dị ứng được tiêm ngay dưới da. Thử nghiệm này hơi xốn nhưng không đau.

Sau khoảng 15 phút, nếu tại vị trí đó xuất hiện một cục u bao quanh bởi vùng hơi đỏ (giống như vết muỗi đốt) thì kết quả là xét nghiệm dương tính.

Thay vào đó, xét nghiệm máu có thể được thực hiện đối với trẻ em mắc các bệnh về da, những trẻ đang sử dụng một số loại thuốc hoặc những trẻ rất nhạy cảm với một chất gây dị ứng cụ thể.

5. Bố mẹ nên làm gì khi trẻ bị dị ứng?

- Đáng tiếc là không có cách chữa khỏi dị ứng, nhưng có thể kiểm soát các triệu chứng dị ứng. Cách tốt nhất là tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Điều đó có nghĩa là cha mẹ phải giáo dục con cái từ nhỏ và thường xuyên về bệnh dị ứng và các phản ứng mà chúng có thể có nếu tiếp xúc với chất gây dị ứng.

- Nói với tất cả người chăm sóc (nhân viên chăm sóc trẻ, giáo viên, thành viên gia đình, v.v.) về chứng dị ứng của bé cũng rất quan trọng.

- Nếu việc tránh các chất gây dị ứng trong môi trường là không thể hoặc không có tác dụng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc, bao gồm thuốc kháng histamine, thuốc nhỏ mắt và thuốc xịt mũi.  Trong một số trường hợp, bác sĩ khuyên nên tiêm phòng dị ứng  (liệu pháp miễn dịch) để giúp giải mẫn cảm với chất gây dị ứng. Nhưng các mũi tiêm phòng dị ứng chỉ hữu ích đối với các chất gây dị ứng như bụi, nấm mốc, phấn hoa, động vật và côn trùng đốt. Chúng không được sử dụng cho dị ứng thực phẩm.

6. Cách xử lý khi trẻ bị dị ứng

Để giúp trẻ tránh các chất gây dị ứng trong không khí:

- Không cho vật nuôi trong gia đình vào phòng ngủ của con.

- Loại bỏ thảm trải sàn khỏi phòng của bé(sàn cứng không bám nhiều bụi như thảm trải sàn).

- Đừng treo những tấm màn dày và loại bỏ những vật dụng khác khiến bụi tích tụ.

- Dọn dẹp khi con không ở trong phòng.

- Sử dụng các tấm phủ đặc biệt để bịt kín gối và nệm nếu con bị dị ứng với mạt bụi.

- Nếu bé bị dị ứng phấn hoa, hãy đóng cửa sổ khi mùa phấn hoa đang đến đỉnh điểm, cho con bạn đi tắm và thay quần áo sau khi ra ngoài trời.

- Giữ trẻ bị dị ứng với nấm mốc tránh xa các khu vực ẩm ướt, chẳng hạn như một số tầng hầm, và giữ cho phòng tắm và các khu vực dễ bị nấm mốc khác sạch sẽ và khô ráo.

Trẻ bị dị ứng thức ăn:

Trẻ em bị dị ứng thực phẩm phải hoàn toàn tránh các sản phẩm được làm bằng chất gây dị ứng của chúng. Điều này có thể khó khăn vì chất gây dị ứng được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm và sản phẩm không ngờ tới. Luôn  đọc nhãn  để xem thực phẩm đóng gói có chứa chất gây dị ứng cho con bạn hay không.

Nguồn: BacSi24h.com