Mất ngủ, đau đầu, giảm trí nhớ, rối loạn kinh nguyệt,… là các dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang bị stress nặng. Tình trạng này kéo dài không chỉ làm giảm hiệu suất lao động – học tập mà còn tăng nguy cơ bị rối loạn lo âu, trầm cảm. Vì vậy, cần phát hiện và can thiệp điều trị sớm để bảo vệ sức khỏe thể chất và tâm lý.
Stress (căng thẳng thần kinh) là phản ứng của cơ thể (bao gồm phản ứng tâm lý, sinh lý, hành động) của một cá nhân khi cố gắng thích nghi với những áp lực và sự thay đổi từ bên trong/ bên ngoài. Stress không toàn toàn có hại cho sức khỏe. Bởi đây cũng có thể là động lực kích thích sự tập trung, năng động và linh hoạt khi lao động – học tập.
Với sự phát triển không ngừng của xã hội, cường độ học tập và làm việc cũng tăng lên đáng kể. Điều này làm tăng tỷ lệ stress, căng thẳng ở người trưởng thành và trẻ nhỏ. Mặc dù được xem là động lực để phát triển nhưng stress kéo dài, stress nặng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tâm lý và thể chất.
Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần trung ương 1, tỷ lệ mắc các chứng rối loạn tâm thần tăng lên đáng kể trong những năm gần đây (khoảng 14.2% trong năm 2014). Trong đó, stress nặng được xem là yếu tố quan trọng khiến bệnh lý này bùng phát. Vì vậy, nhận biết stress sớm và can thiệp điều trị kịp thời là biện pháp hiệu quả nhất giúp phòng ngừa các rối loạn tâm thần thường gặp.
1. Suy giảm trí nhớ – Dấu hiệu điển hình của stress nặng
Stress nặng có thể gây ra các vấn đề về trí nhớ như nhầm lẫn, hay quên, đãng trí,… Các vấn đề này thường gặp ở người cao tuổi do sự thoái hóa của các tế bào thần kinh trung ương. Tuy nhiên, suy giảm trí nhớ cũng có thể gặp ở trẻ nhỏ, người trẻ do căng thẳng thần kinh.
(Xem thêm: Nước hoa tinh dầu trầm hương)
Khi căng thẳng quá mức, tuyến thượng thận tăng sản sinh hormone cortisol – hormone này có tác dụng tăng nhịp tim, điều hòa huyết áp và tham gia vào các hoạt động sống của cơ thể. Tuy nhiên khi được sản xuất quá nhiều, cortisol có thể gây ra tình trạng tình trạng tim đập nhanh, bồn chồn, hồi hộp, tăng đường huyết, mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu và tác động tiêu cực đến hoạt động của não bộ. Vì vậy khi bị stress nặng, bạn sẽ nhận thấy trí nhớ giảm đi đáng kể.
2. Đau đầu và nhức mỏi toàn thân
Stress thực chất là phản ứng của cơ thể với những sự thay đổi, áp lực từ bên ngoài và bên trong. Trong trường hợp căng thẳng quá mức, cơ thể sẽ tạo ra phản ứng sinh tồn bằng cách tăng nhịp tim, nhịp thở và tăng huyết áp. Đồng thời giảm lượng máu tuần hoàn đến những cơ quan “không-ảnh-hưởng-đến-sự-sinh-tồn”.
Chính vì vậy khi căng thẳng, toàn bộ cơ thể dễ bị đau nhức, ê ẩm, mỏi và giảm sức lực. Ngoài ra, stress còn làm giảm lưu lượng máu tuần hoàn đến não bộ dẫn đến đau đầu, đau nửa đầu, choáng đầu, chóng mặt,…
3. Xuất hiện các vấn đề về tiêu hóa
Ít người biết rằng, stress và các vấn đề tiêu hóa có mối liên hệ mật thiết. Cụ thể khi căng thẳng quá mức, dây thần kinh phế vị bị kích thích dẫn đến tăng tiết dịch vị và co bóp bất thường. Vì vậy khi bị stress nặng, bạn có thể gặp phải một số vấn đề về tiêu hóa như đau dạ dày, nóng rát thượng vị, buồn nôn, nôn mửa, đầy hơi, trào ngược, khó tiêu, chướng bụng, tiêu chảy hoặc táo bón.
Với những bệnh nhân có các bệnh tiêu hóa sẵn, stress có thể làm tăng mức độ và tần suất của các triệu chứng. Thực tế đã ghi nhận nhiều trường hợp bị xuất huyết tiêu hóa trên và dưới do căng thẳng quá mức, kéo dài.
4. Rụng tóc – Biểu hiện không ngờ của chứng stress nặng
Ngoài những triệu chứng trên, stress nặng còn có thể gây rụng tóc. Theo giải thích của các chuyên gia, căng thẳng thần kinh quá mức làm giảm lưu lượng máu tuần hoàn đến các nang tóc. Hậu quả là khiến tóc bị thoái hóa, suy yếu và tăng số lượng tóc gãy rụng.
Ngoài ra khi đối mặt với căng thẳng thần kinh trong một thời gian dài, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách sản sinh chất P để bảo vệ các cơ quan quan trọng. Tuy nhiên, thành phần này lại chính là tác nhân gây tổn thương mầm tóc dẫn đến giảm tốc độ tái tạo, mọc tóc và tăng số lượng tóc rụng.
5. Rối loạn kinh nguyệt
Rối loạn kinh nguyệt là triệu chứng phổ biến ở nữ giới bị stress nặng, kéo dài. Khác với nam giới, nội tiết tố ở phái nữ bị ảnh hưởng nhiều do căng thẳng thần kinh. Để kinh nguyệt xảy ra phải có sự phối hợp giữa các cơ quan như vùng dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng.
Căng thẳng quá mức có thể khiến vùng dưới đồi bị rối loạn dẫn đến sự bất ổn trong hoạt động sản xuất hormone ở các cơ quan còn lại. Hậu quả là gây rối loạn kinh nguyệt với những biểu hiện như mất kinh, vòng kinh thưa, đau bụng kinh dữ dội,…
Ngoài ra, stress nặng còn làm tăng sản xuất hormone cortisol – hormone làm tăng đường huyết và phá vỡ insulin (hormone chuyển hóa đường được tuyến tụy sản xuất). Nồng độ đường tăng cao cũng ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt.
6. Stress nặng gây buồn ngủ, uể oải
Khi căng thẳng quá mức, cơ thể sẽ tăng sản xuất hormone adrenaline. Cụ thể, hormone này giúp tăng huyết áp và tăng nhịp tim để bảo vệ sự sống cho cơ thể. Tuy nhiên, lượng hormone adrenaline tăng cao còn tạo ra cảm giác buồn ngủ, bồn chồn và mệt mỏi.
(Xem thêm: Ăn gì để tăng cường hệ miễn dịch)
Hơn nữa khi bị căng thẳng quá mức, tuyến tùng bên trong não bộ sẽ giảm hoạt động sản xuất hormone melatonin – hormone tạo cảm giác buồn ngủ, giúp ngủ ngon và sâu giấc hơn. Ngoài ra khi căng thẳng, não bộ thường tập trung suy nghĩ về những vấn đề chưa được giải quyết (học tập, công việc) hoặc đang tìm hướng xử lý cho một số sự việc. Những tác động này khiến cơ thể khó đi vào giấc ngủ, ngủ chập chờn, không sâu giấc,… Hậu quả là gây mệt mỏi, thiếu tập trung và buồn ngủ vào ngày hôm sau.
7. Các dấu hiệu khác
Ngoài những biểu hiện kể trên, stress nặng còn có thể gây ra một số triệu chứng khác như:
- Stress nặng còn có thể gây nổi mụn trứng cá, mề đay, phát ban,…
- Nổi mề đay, phát ban
- Sức đề kháng suy giảm làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm
- Cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, uể oải, thiếu năng lượng, giảm hứng thú và sự quan tâm
- Co giật mí mắt (do dây thần kinh ở mắt bị căng thẳng khi phải làm việc trong thời gian dài)
- Tiết nhiều mồ hôi
- Nổi mụn trứng cá
- Giảm hứng thú khi quan hệ tình dục
Nguồn: KhamBenh.net